Một số mẹo giúp tiết kiệm xăng xe
Một số gợi ý dưới đâysẽ thiết thực giúp bạn tiết kiệm xăng khi sử dụng xe máy.
Xe máy là phương tiện cá nhân rất quan trọng ở nước ta. Hiện cả nước có khoảng 35 triệu xe máy (ô tô cá nhân khoảng 1,7 triệu chiếc, riêng 5 TP lớn có khoảng 600.000 chiếc). Sắp tới, người sử dụng xe máy cũng phải đóng phí lưu thông, do vậy, việc tiết kiệm xăng rất quan trọng.
1. Cần “chăm sóc” xe thường xuyên
Xe máy khi khởi động (đạp hoặc đề) khó nổ là do hệ thống cấp xăng và gió của xe sau một thời gian sử dụng đã bị lệch lạc. Ngay khi xe bị hiện tượng này, phải chỉnh lại xăng-gió cho đúng kỹ thuật. Xe khó nổ có khi còn do hệ thống cấp điện để đề và lửa bu-gi không còn ở trạng thái bình thường. Đó là do bình điện yếu hoặc bu-gi bị đóng chấu nhẹ hoặc khe hở giữa hai chấu bu-gi bị rộng ra quá mức bình thường (do điện cực của bu-gi bị tia lửa điện ăn mòn).
Để bình điện mạnh, cần nạp điện bổ sung khi thấy bình có biểu hiện yếu như sau khi bật công tắc bấm kèn thử, tiếng kèn kêu không đanh; hay khi đề nghe tiếng máy đề quay yếu. Chỉnh bu-gi để đạt khe hở theo quy định (trong khoảng từ 0,4 - 0,6 mm). Những việc trên, nếu chủ xe không tự làm được thì phải nhờ thợ sửa xe làm giúp. Cần biết rằng khi xe khó nổ, cứ mỗi lần đạp cần kích hoặc đề không nổ là một lần hao xăng, vì cứ mỗi 2 vòng quay của máy, máy lại hút xăng vào một lần.
2. Hao xăng do bu-gi
Bu-gi nẹt lửa quá sớm thì pít-tông khi đang trượt lên trong xy lanh sẽ bị lực dộng ngược của hoà khí cháy sớm, làm máy mất một phần công suất. Nếu bu-gi nẹt lửa trễ thì khi pít-tông đã đi xuống, máy mới nổ, không gian cháy của hòa khí đã tăng lên, áp suất cháy giảm, máy cũng sẽ mất một phần công suất. Những điều vừa nêu trên đều làm hao xăng, vì vậy để tiết kiệm xăng, cần chỉnh để bu-gi nẹt lửa đúng thời điểm.
3. Không chạy xe ở chế độ “cầm chừng”
Duy trì chế độ xe chạy cầm chừng (còn gọi là chạy ra-lăng- ti hoặc chạy không tải) đều gây hao xăng. Ở các xe còn mới, số vòng quay chạy ra-lăng-ti của máy có thể duy trì ở số vòng quay gần tương ứng với số vòng quay mà nhà chế tạo quy định. Máy chạy ở số vòng quay này phát ra tiếng kêu rất nhẹ, nghĩa là máy chỉ chạy ở số vòng quay không cao.
Đối với xe cũ, máy đã mòn, các cơ cấu đã xộc xệch nên lực cản chuyển động tăng lên. Muốn máy hoạt động ở chế độ chạy ra-lăng-ti, phải tăng xăng cho xe để khắc phục sức cản đã tăng thêm. Do đó, ở các động cơ đã cũ, động cơ chạy ra-lăng-ti sẽ hao xăng hơn so với khi động cơ còn mới. Để bớt hao xăng, nên bỏ chế độ chạy ra-lăng-ti đối với xe gắn máy chạy trong TP (chỉ cần chỉnh cho xe dễ đạp nổ hoặc dễ đề nổ). Các xe máy không sử dụng chế độ chạy ra-lăng-ti, gặp trường hợp phải tạm dừng xe ở ngã tư khi gặp đèn đỏ thì chỉ cần trả số, giữ ga để xe không chết máy là được.
4. Hao xăng do bánh xe bị mềm
Thực nghiệm cho thấy khi độ căng quy định của bánh xe giảm 20% có thể làm tiêu hao xăng tăng thêm 10%. Muốn xe không hao xăng phải bơm căng bánh xe theo áp suất quy định của nhà chế tạo xe quy định.
5. Tăng và giảm ga đột ngột đều làm hao xăng
Khi tăng ga, máy phải khắc phục sức ì của xe để tăng tốc, máy cần phát ra công suất lớn hơn nên cần nhiều xăng. Khi giảm tốc đột ngột, động năng của xe (do xăng tạo ra) chuyển thành nhiệt năng trên các bố thắng và tản vào không khí cũng làm hao xăng. Tốt nhất là nên giữ đều tay ga, tránh tăng và giảm ga đột ngột để tránh hao xăng không đáng có.
6. Hạ kim xăng xuống đến vị trí thấp
Việc hạ kim xăng xuống thấp đồng nghĩa với việc chủ động giảm cấp xăng cho động cơ. Sức kéo của máy sẽ giảm. Điều đó có nghĩa là chủ xe chấp nhận máy yếu bớt đi, xe chạy chậm lại để đổi lấy việc bớt hao xăng. Điều này không nhất thiết bắt buộc ai cũng phải làm. Tuy nhiên, đối với các xe máy dư công suất thì nên làm.
Bởi khi động cơ được phát công suất trong phạm vi 60% ~ 70% công suất cực đại thì động cơ sẽ ít hao xăng nhất. Theo tính toán, để chở 2 người lớn và lưu hành với tốc độ tối đa cho phép trong TP thì công suất cần thiết của xe máy không quá 2 mã lực. Điều này có nghĩa là loại xe máy phù hợp yêu cầu có tính ít hao xăng nhất chỉ nên có công suất động cơ không lớn hơn 2,8 đến 3,3 mã lực.
Hiện nay, xe Honda C-50 có công suất cực đại là 4,5 mã lực, xe Honda Dream có công suất cực đại là 7,2 mã lực, xe Honda Spacy 125 có công suất cực đại là 11 mã lực và xe Honda @ 150 có công suất cực đại là 13 mã lực. Như vậy, trừ xe Honda C-50 có công suất cực đại tạm chấp nhận đối với xe máy chạy trong TP, còn tất cả các loại xe sau đều dư công suất đối với xe dùng trong nội thành. Có thể nói đây là điều bất hợp lý trong kỹ thuật khai thác phương tiện dưới tiêu chí tiết kiệm xăng và bảo vệ môi trường.
7. Thà ép ga chứ không nên không ép số
Phương châm này được hiểu như sau: Khi xe gặp dốc hoặc đi vào đường xấu cần trả về số thấp số 1 hoặc hai bậc. Khi dừng xe ở ngã tư, cần giảm ga và trả về số thấp hơn số vừa sử dụng. Khi xe khởi động lăn bánh, nên cài số ở số 1.
>> Xem thêm: Bánh mâm xe máy
Kinh nghiệm chọn áo mưa và đi xe máy khi trời mưa
Tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng việc chọn và mặc áo mưa sao cho đúng cũng rất quan trọng trong những ngày bão.
Thời tiết Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện nay đang trong mùa mưa bão. Do đó, việc mang theo một chiếc áo mưa khi lưu thông bằng xe máy là điều không thể thiếu đối với người lái.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có sẵn áo mưa khi gặp cơn mưa bất chợt. Do đó, đa phần người lái xe đều chọn cách mua loại áo mưa dùng một lần có giá từ 5.000 - 10.000 VNĐ/chiếc. Áo mưa giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng không cao bởi loại nilon dùng để sản xuất loại áo mưa này thường mỏng và dễ rách, ngay cả khi mới mặc lần đầu nếu không cẩn thận. Bên cạnh đó, thiết kế áo mưa liền mảnh, dáng thẳng, ôm vào người nên khi sử dụng xe sẽ không thể che kín chân cho người ngồi trên xe.
Ngoài ra, loại áo mưa mặc một lần thường có thiết kế thùng thình, tạo ra sức cản gió rất lớn cho người lái xe. Điều này cũng có thể gây ra nhiều khó khăn cho người lái khi điều khiển xe trong điều kiện mưa to gió lớn. Có thể nói, loại áo mưa này chỉ phù hợp khi trời mưa không quá to và không có nhiều gió.
Loại áo mưa mặc một lần không thể che kín cả người, lại dễ rách.
Một số người lái xe sử dụng loại áo mưa 2 mảnh chùm cả người có giá từ 40.000 - 100.000 VNĐ/chiếc. đây là loại áo mưa có chất lượng tốt hơn với nilon dai và chắc chắn. Kiểu dáng 2 mảnh giúp người lái xe có thể phủ qua tay lái để che sao cho không bị ướt chân. Nhiều người lái xe thường chùm cả áo mưa qua tay lái, từ đó có thể gây nhiều sự cố đáng tiếc như áo mưa làm vướng tay lái dẫn đến việc khó xử lý khi gặp tình huống bất ngờ. Bên cạnh đó, áo mưa thông thường khi phủ lên đầu xe cũng sẽ che đi gương chiếu hậu, khiến bạn không thể quan sát phía sau.
Đó là còn chưa kể đến việc phủ áo mưa che đèn xe khiến người lái giảm tầm nhìn trong mưa do đèn không đủ sáng. Đặc biệt, đối với một số loại đèn pha của các dòng xe ga như Liberty, SH..., xe có thể sẽ bị chảy ốp đèn do sức nóng từ đèn toả ra không thoát được qua lớp áo mưa nilon.
Ngoài ra, loại áo mưa được cho là an toàn nhất là loại áo mưa liền quần. Người lái xe có thể mặc áo và quần mưa ra ngoài trang phục của mình giống như thêm một lớp quần áo nữa để không bị ướt. Những bộ quần áo mưa này thường được làm bằng nilon cao cấp, kín đáo, chống nước tốt và bền. Thêm vào đó, với thiết kế giống như một bộ quần áo bình thường, loại quần áo mưa này sẽ ôm sát vào người lái xe và không tạo ra nhiều sự vướng víu hay cản gió khi xe di chuyển. Tuy nhiên, giá thành cho những bộ quần áo mưa này cũng khá cao, trên 140.000 VNĐ/chiếc.
Để việc mặc áo mưa được hiệu quả và an toàn hơn, người lái xe nên chọn mua loại 2 mảnh có khe hở ở 2 bên mặt trước để có thể cho gương chiếu hậu xuyên qua và áo mưa sử dụng lớp nilon trong suốt phía trước để không cản tầm chiếu sáng của đèn. Nếu chỉ là áo mưa loại 2 mảnh thông thường không có khe hở để cho gương qua, người lái xe chỉ nên phủ áo mưa qua đùi để che phần chân không bị ướt.
Cũng cần lưu ý khi mặc áo mưa loại 2 mảnh này, người lái xe nên ngồi đè lên vạt sau của áo mưa để vạt áo sau không bị bay khi xe di chuyển. Điều này giúp cho xe sẽ đỡ bị cản gió hơn, không bắn nước vào người đi sau và không bị cuốn vào lốp sau của xe do vô ý.
Áo mưa có khe cho gương chiếu hậu và mặt trước trong suốt sẽ giúp các bạn an toàn hơn.
Autopro cũng có những lời khuyên để bạn đọc có thể đi lại an toàn hơn trong điều kiện thời tiết mưa gió hiện nay:
- Duy trì tốc độ vừa phải để có thể xử lý kịp các tình huống bất ngờ khi tham gia lưu thông trong điều kiện trời mưa.
- Đối với các dòng xe tay ga, người lái xe hạn chế việc bóp phanh trước một cách đột ngột, đặc biệt là khi lốp trước và lốp sau không cùng nằm trên một đường thẳng. Nếu không sẽ rất dễ gặp tay nạn do trượt lốp hoặc mất lái.
- Người lái xe không nên cố gắng đi qua những chỗ ngập hoặc vũng nước to vì sẽ không thể biết có những nguy cơ gì rình rập bên dưới.