Máy ảnh Canon 60D
Đánh giá máy ảnh số Canon EOS 60D
Ưu điểm:
+ Màn hình LCD xoay gập linh hoạt
+ Hỗ trợ quay phim full HD
+ Nhiều nút chức năng hỗ trợ tinh chỉnh nhanh
+ Bộ xử lý hậu kỳ linh hoạt như cân bằng trắng, bộ lọc sáng tạo, độ sáng, kiểu ảnh
Nhược điểm:
– Thân máy làm bằng nhựa gây cảm giác không chắc chắn
– Tốc độ chụp liên tiếp chưa nhanh
– Chế độ chụp Liveview chưa ấn tượng
Thiết kế và cảm nhận
Thân máy Canon EOS 60D được thay thế bằng lớp vỏ nhựa polycarbonate với sợi thủy tinh phủ trên khung nhôm nên trọng lượng của máy giảm đáng kể so với người tiền nhiệm 50D (vỏ làm bằng hợp kim magiê) khoảng 70 gram.
Máy có thiết kế khá chắc chắn và vừa tay với kích thước được thu gọn hơn một chút là 144,5 x 105,8 x 78,6 mm, trọng lượng 675 g (chỉ tính riêng thân máy). Hai bên thân máy khu vực tay cầm được bọc da như các mẫu máy ảnh DSLR khác của Canon. Phần báng được thu ngắn lại nhưng có xu hướng hơi cong ôm theo lòng bàn tay, đảm bảo sự chắc chắn và êm ái khi cầm máy trong thời gian dài.
Mặt sau máy có sự thay đổi lớn khi Canon đưa vào một màn hình màu tinh thể lỏng TFT kích cỡ 3 inch có khả năng xoay một vòng 360 độ và lật 180 độ, mà theo Canon quảng cáo là “xoay lật được 540 độ”, giúp nguời dùng có thể chủ động hơn trong việc lựa chọn các góc chụp sao cho phù hợp và ấn tuợng nhất. Màn hình hiển thị sáng nét với độ phân giải lên đến 1.040.000 pixel, có khả năng chống lóa tốt với ánh sáng mạnh. Các thông số hiện trên màn hình sắc nét, điều chỉnh dễ dàng. Tuy nhiên màn hình sáng nét quá dẫn đến cảm giác ảnh không được đẹp bằng khi nhìn trên máy tính.
Các nút chức năng được bố trí hầu hết sang bên phải, nơi dễ thao tác với ngón tay cái, khác so với các máy 40D, 50D với hàng nút nằm ngang dưới khu vực màn hình. Nút điều hướng các chiều kiêm chỉnh điểm lấy nét thay vì nằm riêng biệt nay được tích hợp gọn vào nút vòng xoay. Nút này hơi cứng, hành trình chuyển động ít nên khó bấm, không linh hoạt như joystick tách rời. Các phím khác được bổ sung vào như: nút chữ Q (Quick) để hỗ trợ nhiều tinh chỉnh cài đặt… Việc có thêm các nút chức năng gọi nhanh này là khá cần thiết, giúp người sử dụng nhanh chóng thiết lập máy theo nhu cầu, hoàn cảnh. Nút nguồn tắt bật máy được chuyển lên phía trên, ngay dưới bánh xe lựa chọn chế độ, sử dụng bằng cách gạt sang ngang khá thuận tiện khi cầm máy bằng một tay. Bánh xe lựa chọn các chế độ quay quanh một trục, trục này cũng chính là nút khóa mặc định, người sử dụng cần bấm vào nút này thì mới lựa chọn được chế độ.
Màn hình phụ phía trên được làm vát chéo chứ không phải là hình chữ nhật như các đời máy trước. Có thể bật đèn khi nhìn trời tối, chữ hiển thị rõ. Thông số cân bằng trắng bị lược bỏ. Bốn nút chức năng bên trên chỉ có đơn thuần một chức năng thay vì có thể điều chỉnh hai chức năng như các đời máy trước. Điều này tạo cảm giác đỡ rối hơn đối với những người dùng ít kinh nghiệm.
Tính năng
EOS 60D mang trong mình bộ cảm biến ảnh CMOS APS-C kích thước 22,3 x 14,9 mm với độ phân giải 18 Megapixel, hệ số crop 1.6x. Tốc độ màn trập 1/8000 giây.
Do vẫn sử dụng vi xử lý DIGIC 4 trong khi số độ phân giải ảnh lại cao hơn tiền nhiệm 50D nên tốc độ chụp liên tiếp trên máy giảm xuống còn 5,3 hình mỗi giây, chụp được liên tục 58 ảnh JPEG hoặc 16 ảnh RAW (so với EOS 50D là 6,3 hình/giây, 90 ảnh JPEG hoặc 16 ảnh RAW và EOS 7D là 8 hình/giây, 126 ảnh JPEG hoặc 15 ảnh RAW).
Dải ISO của EOS 60D chạy từ 100 cho tới 6.400 và có khả năng mở rộng tới mức H tương đương ISO 12.800. Bên cạnh đó, công nghệ khử nhiễu đặc biệt giúp tái tạo hình ảnh mịn, sắc nét, thậm chí trong điều kiện chụp ánh sáng yếu.
Một tính năng đã từng gây ấn tuợng là hệ thống đo sáng iFCL với cảm biến kép 63 vùng – xuất hiện trên mẫu máy ảnh DSLR thể thao bán chuyên EOS 7D – nay cũng đã đuợc đưa vào Canon EOS 60D. Ngoài ra, Canon EOS 60D còn có cả tính năng điều khiển flash không dây – Integrated Speedlite Transmitter – điều mà các máy ảnh dòng xxD truớc đây của Canon không có.
Máy có nút bấm để chuyển sang chế độ chụp Liveview, khi đó gương lật sẽ được “tạch” lên. Chuyển sang chế độ kính ngắm thì gương sẽ lật xuống.
Ngoài các chế độ chụp Av/Tv/M/… thông thuờng, EOS 60D còn tích hợp thêm nhiều chế độ hậu chụp tạo hiệu ứng đặc biệt như: Grainy B/W, Soft Focus, Toy Camera Effect và Miniature Effect.
60D còn hỗ trợ chức năng quay phim độ phân giải full HD, định dạng nén MOV với tùy chọn tốc độ quét 30, 25 hoặc 24 hình/giây. Ngoài ra máy còn có chế độ quay phim Movie Crop cho phép nguời dùng chỉ sử dụng vùng trung tâm của cảm biến ảnh với độ phân giải 640×480 để tăng tỉ lệ phóng đại của ống kính lên gấp 7 lần (tức là nếu sử dụng ống kính 50mm để quay phim bằmg chế độ Movie Crop thì nguời dùng sẽ quay ở tiêu cự 350mm).
Máy được bổ sung thêm phím “Q” có tác dụng hiển thị các chức năng như: cân bằng trắng, lấy nét khoảng hay điểm, điều chỉnh ISO, bù trừ sáng, đồng hồ cân bằng điện tử, chế độ chụp, hẹn giờ chụp, điều chỉnh điểm lấy nét, định dạng file ảnh trên màn hình. Người dùng sẽ dùng phím điều hướng để lựa chọn các tính năng cần tinh chỉnh và bấm nút “SET” ở chính giữa để thực hiện tinh chỉnh.
Máy có khả năng ghi âm khi tích hợp sẵn Microphone mono, ngõ cắm microphone stereo, có thể điều chỉnh mức độ ghi âm, có sẵn bộ lọc.
Hiệu năng
Hệ thống lấy nét của máy ảnh Canon 60D bao gồm 9 điểm xếp thành hình thoi, tất cả các điểm đều là loại cross-type. Qua thử nghiệm, model này cho tốc độ lấy nét rất nhanh và chính xác trong điều kiện đủ sáng. Mặc dù vậy, ở chế độ Liveview, tốc độ này bị chậm đi khá nhiều từ khi bấm nút đến khi máy chụp được ảnh (thời gian trễ là do máy phải lật gương lại để lấy nét khi chụp).
Khả năng quay video là điểm mạnh với chất lượng hình ảnh tốt, đồng thời có thể điều chỉnh tốc độ quét hoặc chế độ quay.
>> Máy ảnh Canon
Mẹo giúp máy ảnh thọ hơn
Đọc hướng dẫn sử dụng trước khi dùng
Bên trong hướng dẫn sử dụng của máy ảnh luôn có rất nhiều lời khuyên hữu ích cũng như những cảnh báo giúp bạn tránh gây hư hại cho máy ảnh đồng thời giúp máy hoạt động trơn tru và hiệu quả. Như hướng dẫn sạc và sử dụng pin máy ảnh hay tránh làm cảm biến nóng quá mức khi sử dụng Live View.
Đừng nhầm lẫn giữa “water-resistant” (chịu nước) và “waterproof” (chống nước)
Rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Về cơ bản “Water-resistant” có thể hiểu là sự chịu nước ở một giới hạn nhất định. Bạn có thể thấy các thông số trên đồng hồ ví dụ Water-resistant 4ATM tức là đồng hồ có thể chịu nước ở áp suất 4 ATM. Còn “Waterproof” có thể hiệu như khả năng chống nước hoàn toàn. Ví dụ điển hình có thể thấy trên dòng Sony Xperia hay một số máy ảnh chịu nước.
Vì vậy nếu máy ảnh của bạn ghi “Water-resistant” bạn đừng nhầm tưởng đây là khả năng chống nước hoàn toàn mà thản nhiên ngâm máy xuống bể bơi nhé. Tất nhiên máy bạn có thể chịu được những cơn mưa nhỏ nhưng để tránh trường hợp xấu nhất như nắp pin bị hở,... bạn nên luôn giữ máy ảnh của mình khô ráo.
Sử dụng filter và hood cho ống kính
Sử dụng một filter trong để bảo vệ thấu kính là việc làm rất cần thiết, filter sẽ giúp thấu kính trước của bạn tránh bị xước hay bị vỡ trong trường hợp làm rơi ống kính hay máy ảnh.
Nếu có thể bạn cũng nên sử dụng thêm hood cho ống kính. Không chỉ giúp bạn giảm được hiện tượng ghosting (bóng mờ) hay flare (lóe sáng) mà hood cũng giúp ống kính của bạn tránh được va đạp mạnh khi vô tình đập vào bàn, tường,...
Cẩn thận khi thay ống kính ngoài trời
Khi thay ống kính, bạn hãy tìm một nơi kín gió để hạn chế tối đa các hạt bụi bay vào trong máy ảnh của mình. Các hạt bụi này khi bay vào có thể gây hại cho cảm biến, xước mặt gương và trên ảnh khi chụp sẽ xuất hiện một số điểm mờ màu đen. Vì vậy khi phải tác nghiệp ở các khu vực như bãi biển hay các khu vực có gió, hãy thật cẩn thẩn khi thay ống kính.
Mua bán máy ảnh Canon 60D ở đâu?
Đăng tin và mua bán máy ảnh Canon 60D cực bền trên MuaBanNhanh.com. Xem ngay: Máy ảnh canon
Xem thêm
Nguồn: https://mayanh.muabannhanh.com/may-anh-canon-60d/5